Tin tức Tây Nguyên

Đắk Lắk: Một bản án công tâm, 5 cán bộ thôn thoát thảm cảnh “bán nhà trả nợ!”




(Tamnhin.net) - Thời gian qua Tamnhin.net đã có loạt bài phản ánh việc một cựu Phó chủ tịch (PCT) UBND xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) đã lợi dụng chức quyền để mua bán phân bón không đảm bảo chất lượng, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế của rất nhiều nông dân trên địa bàn Huyện Buôn Đôn.

Quang cảnh của phiên tòa.
Không những thế, vụ án còn liên quan đến 5 cán bộ thôn nhận phân phối phân bón kém chất lượng theo sự chỉ đạo của UBND xã cũng bị ông Tâm kiện bắt phải trả nợ hơn 1,3 tỷ đồng.

Lợi dụng chức vụ trục lợi cá nhân
Như  Tamnhin.net đã đưa tin, cách đây 4 năm, với tư cách là PCT UBND xã Cuôr Knia – Buôn Đôn, ông Lê Quang Tâm đã kí một văn bản chỉ đạo cho cán bộ các thôn trong địa bàn thực hiện việc tín chấp để mua phân bón NPK trả chậm cho dân.

Trong văn bản chỉ đạo thể hiện rõ phương thức thanh toán được các bên liên quan thống nhất là: người dân chỉ trả tiền trước 50%, số còn lại sẽ thanh toán hết vào cuối năm đó.

Sau đó, ông Tâm còn tự làm sẵn mẫu đăng ký nhu cầu mua phân bón NPK rồi chỉ đạo các cán bộ thôn tổ chức họp dân phổ biến chủ trương trên, đồng thời cho các hộ dân đăng ký nhu cầu mua phân với cán bộ thôn và phải có sự đồng ý của UBND xã.

 
Những bao phân kém chất lượng đang được 5 cán bộ thôn giữ lại làm bằng chứng.

Thực hiện sự chỉ đạo đó, 5 cán bộ thôn gồm: ông Phạm Văn Trần - trưởng thôn 6, Cao Quang Nam - chi hội trưởng hội nông dân thôn 6, Cao Minh Hà - trưởng thôn 4, và ông Lưu Thanh Giáp (trưởng thôn 1) đã hợp đồng với chính ông Lê Quang Tâm – PCT UBND xã Cuôr Knia để nhận phân NPK của Công ty Việt Mỹ - Bình Dương và Công ty Phú Mỹ - Đồng Nai.

Sau khi người dân mua phân của ông Tâm về bón cho vườn cây cà phê, chỉ 15 ngày sau thấy cây cà phê vàng lá, trái rụng nhiều, có nhà còn chết cả một vườn cà phê mới lớn.

Nghi ngờ là phân kém chất lượng nên người dân đã làm đơn báo lên các cấp chính quyền nhờ giải quyết, nhưng chờ mãi vẫn không thấy chính quyền hay người bán phân là ông Tâm trả lời. Và người dân đã không đồng ý trả 50% số tiền còn lại vì cho rằng phân bón mình mua là kém chất lượng.

Cùng thời gian đó tại xã Ea Bar, người dân ở đây cũng mua phân bón từ ông Tâm, đã phát hiện ra là phân kém chất lượng nên đòi ông Tâm và phía công ty sản xuất phải bồi thường thiệt hại.

Vào tháng 7/2008, phía Công ty Phú Mỹ - Đồng Nai đã về xã Ea Bar cam kết không thu số tiền 50% còn lại mà người nông dân mua phân còn nợ, đồng thời thu gom số phân mà người dân đã mua mà chưa sử dụng hết.

Sự việc tưởng chừng đã qua đi, thì sau 3 năm người dân và 5 ông cán bộ thôn hoàn toàn bất ngờ khi biết ông Tâm đã đâm đơn lên tòa án nhân dân huyện Buôn Đôn đòi 5 ông cán bộ thôn trả lại số tiền phân còn lại.

Trong bản án của phiên tòa sơ thẩm do tòa án nhân dân huyện Buôn Đôn đã tuyên án cho rằng: Trong hợp đồng mua bán của 5 cán bộ thôn này với ông Tâm là do tự nguyện, không trái với pháp luật và đạo đức. Các bị đơn đều đã thừa nhận số lượng giá cả, số tiền chưa và đã thanh toán cho ông Tâm, chứng lý các bị đơn đưa ra để không thanh toán số tiền còn lại trong hợp đồng với lý do.

Các hộ dân nhận phân mua trả chậm không chịu thanh toán lại vì phân không đảm bảo chất lượng, thậm chí các bị đơn còn đề nghị ông Tâm trả lại tiền đã nhận để đền bù thiệt hại cho dân.

Sau khi bị tòa án nhân dân huyện Buôn Đôn tuyên 5 ông cán bộ thôn phải trả toàn bộ số tiền phân còn nợ lại và tính lãi xuất 1,5%/tháng, 5 ông cán bộ thôn đã không đồng ý với phán quyết của tòa sơ thẩm cho rằng tòa án huyện đã không công minh trong việc phán quyết nên đã gửi đơn kháng cáo lên tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk.

Công lý thuộc về lẽ phải
Trong 2 ngày 10 và 11 tháng 7 năm 2012, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã xét xử vụ án và chấp nhận đơn kháng cáo của các bị đơn, và cho hủy toàn bộ bản án sơ thẩm mà tòa án nhân dân huyện Buôn Đôn đã tuyên trước đó, trả lại hồ sơ về lại cho Tòa án nhân dân huyện Buôn Đôn để điều tra giải quyết một cách chính xác.

Theo phán quyết của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk thì bản hợp đồng giữa ông Tâm và 5 ông cán bộ thôn không phải là hợp đồng mua bán nên không có trách nhiệm trả tiền cho ông Tâm, mà các ông này chỉ là người đi thu tiền bán phân rồi nộp lại cho ông Tâm để ăn hoa hồng.

 
Một bản án công tâm 5 cán bộ thôn được giải thoát khỏi món nợ khổng lồ

Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã công nhận rằng toàn bộ số phân mà ông Tâm đã lấy của 2 Công ty Việt Mỹ và Phú Mỹ đều là phân kém chất lượng, không đúng với tiêu chuẩn đã ghi trên bao bì.

Việc ông Tâm đã lấy hàng trăm tấn phân kém chất lượng về để bán cho người dân không chỉ ở xã Cuôr Knia, mà còn nhiều xã khác đã gây thiệt hại lớn đối với bà con nông dân. Vậy những thiệt hại của bà con nông dân sẽ do ai đứng ra chịu trách nhiệm và ai là người đền bù những thiệt hại đó?.

Cũng vào khoảng thời gian đó tại huyện EaH’Leo tỉnh Đắk Lắk, Công ty phân Phú Mỹ cũng đã bị người dân ở đây khởi kiện vì bán phân kém chất lượng, và đích thân ông Mai Anh Tuấn, Giám đốc Công ty đã thừa nhận những sai sót trong sản xuất mà Công ty đã gây ra.

Chỉ trong một thời gian ngắn phân bón do Công ty Phú Mỹ sản xuất kém chất lượng nhưng vẫn được tiêu thụ nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Trong phiên tòa ông Tâm đã nhận mua hàng trăm tấn phân của 2 Công ty Phú Mỹ và Việt Mỹ về để bán lại cho nông dân ăn chênh lệch, trong khi đó ông Tâm vẫn đang là PCT UBND xã, không có giấy phép kinh doanh, không phải là chủ doanh nghiệp nên ông Tâm không được phép kinh doanh buôn bán mà ông Tâm vẫn cứ làm. Có phải ông Tâm đã lợi dụng vào UBND xã để kinh doanh nhằm “trốn” thuế?.

Theo như kết luận của tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, tại phiên xử sơ thẩm của tòa án nhân dân huyện Buôn Đôn đã xử không đúng với trình tự thủ tục, còn nhiều thiếu sót, sai lầm.

Tòa án cấp sơ thẩm đã không làm rõ trách nhiệm của 2 công ty sản xuất phân kém chất lượng, không có hướng khắc phục hậu quả cho nông dân.

Không làm rõ được nguyên nhân, lúc các cơ quan chức năng đến nhà ông Sự và bà Thục để lấy mẫu phân đem đi giám định thì vẫn còn hạn sử dụng nhưng đến khi gửi đi giám định ở viện khoa học kỹ thuật thuộc Bộ công an lại hết hạn sử dụng làm cho kết quả giám định không đúng, vậy trách nhiệm để mẫu vật hết hạn sử dụng thuộc về cơ quan, cá nhân nào?.

Tòa cấp sơ thẩm đã không cho mời những người liên quan, không phân tích làm rõ thực chất cũng như các điều khoản mua bán của các bên, và nội dung cam kết trong đơn xin mua phân trả chậm của người dân để làm rõ trách nhiệm trả nợ thuộc về ai.

Như vậy, sau bao nhiêu ngày lâm cảnh kiện cáo triền miên, 5 cán bộ thôn đã được giải thoát khỏi áp lực của món nợ khổng lồ.

Có thể nói đây là phán quyết công tâm của Tòa án tỉnh Đắk Lắk đã làm cho dư luận, người dân hết sức đồng tình ủng hộ.

Nguyễn Nam – Hải Dương
Nguồn: tamnhin.net


Responses

0 Respones to "Đắk Lắk: Một bản án công tâm, 5 cán bộ thôn thoát thảm cảnh “bán nhà trả nợ!”"

Post a Comment

 
Return to top of page Copyright © 2010 | Platinum Theme Converted into Blogger Template by HackTutors