QĐND - Vàng khoáng sản ở tỉnh Kon Tum phân bố nhiều nhất thuộc về các huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi, Sa Thầy, Đăk Tô… Thời gian qua, những địa phương này lúc nào cũng phải đối mặt với nạn khai thác vàng trái phép. Ngày trước, con suối Đăk Pet, xã Đăk Pet (Đăk Glei) chảy từ biên giới Việt - Lào đến địa phận huyện Đăk Glei (Kon Tum) hiền hòa, trong vắt, hai bên bờ là những ruộng lúa, nương ngô xanh mướt. Giờ đây, con suối Đăk Pet bị "vàng tặc" tấn công từ mọi phía, tiếng máy hút cát, tiếng máy xúc rầm rập suốt đêm ngày. Lòng suối ngổn ngang cát sỏi, nhiều hố sâu hoắm do máy hút cát và máy xúc tạo ra... Hệ quả là địa hình thay đổi, dòng chảy bị biến dạng gây ra sạt lở, phá hủy những cánh đồng màu mỡ hai bên bờ. Cùng số phận với con suối Đăk Pet là các con suối khác như Đăk Long, Đăk Plô (Đăk Glei), Đăk Tơ Re (Kon Rẫy) cũng bị đào phá.
Hầm khai thác vàng do người dân ở Đăk Môn (Đăk Glei) tự đào. |
Anh A Din ở Đăk Kon cho biết: “Bà con địa phương đào đãi vàng sa khoáng đã mấy tháng nay rồi, nhà nào cũng có người tham gia, nhà nhiều thì 3-4 người, nhà ít cũng 1-2 người. Nhiều người tham gia đào bới bằng các vật dụng thô sơ, nhưng cũng có người mua máy hút cát để đãi vàng. Chính quyền địa phương có đến kiểm tra nhắc nhở, nhưng chỉ được mấy ngày đâu lại hoàn đấy…” . Nói rồi anh Din cười cười coi như không có chuyện gì xảy ra.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, phần lớn vàng sa khoáng đào đãi được, người dân đều bán lại cho một đầu nậu ở trong thôn. Chính người này đứng ra ứng tiền mua máy móc cho đồng bào để họ đào đãi vàng và thu mua lại để trừ nợ dần. Với bà con đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia khai thác vàng trái phép, chính quyền địa phương thường chỉ làm công tác kiểm tra, vận động, chứ không tiến hành thu giữ máy móc, nhà lán. Điều này cũng khiến cho công tác quản lý trở nên khó khăn bởi chỉ sau đợt truy quét không lâu, việc khai thác vàng trái phép lại tái diễn.
Qua khỏi cầu Đắk Mốt ở đầu huyện Ngọc Hồi, rẽ trái khoảng chục ki -lô-mét chúng tôi đột nhập vào khu khai thác vàng tại thôn Đăk Ri Peng 2, xã Tân Cảnh (Đăk Tô). Mặc dù chính quyền đã thông báo nghiêm cấm khai thác vàng ở đây, nhưng hằng đêm vẫn ầm ầm tiếng nổ mìn phá đá đãi vàng. A Quyên một người dẫn đường cho chúng tôi cho biết: “Thời gian gần đây, chính quyền địa phương tổ chức nhiều đợt truy quét, thu giữ nhiều phương tiện, máy móc khai thác vàng của bọn đầu nậu, nên ban ngày thì chúng ẩn nấp trong rừng, đêm xuống chúng lại về nổ mìn lấy đá. Trung bình mỗi đêm chúng nổ từ 3 đến 5 quả mìn, chúng dùng xe công nông để vận chuyển đá ở đây về nơi tập kết để xay và đãi vàng. Điểm khai thác vàng hiện nay đang dần ăn vào con đường độc đạo dùng để chuyên chở nông sản của bà con mình”.
Được biết, trong đợt truy quét trên địa bàn 6 xã của huyện Đăk Glei, lực lượng chức năng đã phát hiện, thu giữ, tiêu hủy hàng trăm máy móc, phương tiện hành nghề của người khai thác vàng trái phép. Chỉ riêng cuộc truy quét ở tiểu khu 143, xã Đăk Môn (Đăk Glei) lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 10 lán trại và rất nhiều máy móc, phương tiện phục vụ khai thác vàng… Chúng tôi được biết, hiện nay tại địa bàn xã Đăk Blô có khoảng 10 người từ tỉnh Nghệ An đến do ông Nguyễn Văn Sỹ làm chủ, đã đưa 2 máy đào loại lớn có dung tích gầu 1,2m3 và 2 máng xổ lớn, cùng nhiều dụng cụ khai thác để khai thác vàng trái phép từ tháng 10-2011. Tại khu suối Đăk Lốc cũng có nhiều người từ tỉnh Nghệ An, Quảng Nam đến do ông A Ngưu làm chủ, đã tổ chức khai thác vàng trái phép từ tháng 10-2011. UBND xã Đăk Blô đã phối hợp với Đồn Biên phòng 663 kiểm tra và lập biên bản xử lý tiêu hủy một máy nổ, một đầu bơm, một lán trại, đình chỉ hoạt động của 48 tổ khai thác vàng trái phép.
Đoàn kiểm tra phát hiện và phá hủy một máy hút nước khai thác vàng ở Đăk Môn, huyện Đăk Glei. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Ngọc Hồi cho biết: “Từ tháng 3 đến nay, lực lượng chức năng đã tổ chức truy quét và tiêu hủy 4 máy nổ và rất nhiều dụng cụ khác liên quan. Nhưng khi chúng tôi rút về thì hàng trăm đối tượng khai thác vàng trái phép lại kéo tới. Không những thế, những nhân viên tham gia truy quét liên tục nhận được hàng loạt các cuộc gọi điện thoại đe dọa từ những số điện thoại lạ. Có lần đang trong cuộc họp triển khai truy quét, ông Trần Văn Nhất, Chủ tịch UBND xã Đăk Ang (Ngọc Hồi) bị "vàng tặc" gọi điện thoại đe dọa, ông đã bật loa ngoài cho các vị lãnh đạo các cấp cùng nghe…”.
Tình hình khai thác vàng trái phép trên địa bàn diễn biến phức tạp đến mức UBND tỉnh Kon Tum phải yêu cầu Sở Tài nguyên và môi trường nắm và báo cáo tình hình hai ngày một lần. Tuy nhiên, cuộc chiến chống "vàng tặc" ở Kon Tum vẫn rất cam go phức tạp và tính hiệu quả vẫn chưa cao. Chính quyền địa phương các cấp ở tỉnh Kon Tum cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa thì mới có hy vọng đạt kết quả như mong muốn.
Bài và ảnh: Quang Hồi - Triệu Hà

Responses
0 Respones to "Kon Tum - Nóng bỏng nạn khai thác vàng trái phép"
Post a Comment