(VOV) - Các doanh nghiệp ở địa phương thấu hiểu nguyên tắc “chọn mặt gửi vàng” của ngân hàng để hợp tác đôi bên cùng có lợi.
- Trong khi hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Đắk Lắk phải ngừng hoạt động do thiếu vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, thì vẫn còn những doanh nghiệp “ăn nên làm ra” và được thụ hưởng lộ trình giảm lãi suất của ngân hàng.
Đầu tư bài bản, không khó vay vốn
Ông Hồ Văn Phương - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á ở Khu công nghiệp Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong bối cảnh khó khăn về vốn và thị trường, nhưng công ty vẫn duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhiều DN tại Đăk Lăk đã được ngân hàng cho vay kịp thời phục vụ sản xuất
|
Từ đầu năm đến nay, công ty thu mua được hơn 60.000 tấn phế liệu, sản xuất và xuất khẩu được 50.000 tấn phôi thép, cung ứng ra thị trường nội địa khoảng 25.000 tấn thép xây dựng, lợi nhuận thu về vài tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hơn 600 lao động. Đó là cơ sở để ngân hàng tin cậy, giải ngân vốn cho doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
“Khi tiếp cận, làm dự án với ngân hàng lớn, những chính sách ưu đãi được thực hiện rất kịp thời, và nguồn vốn dồi dào nên tài trợ cho các dự án phát triển cũng kịp thời. Cho nên nếu doanh nghiệp đầu tư bài bản, việc tiếp cận vốn ngân hàng không khó. Những doanh nghiệp này, giả sử có gặp khó khăn, ngân hàng sẵn sàng ngồi với doanh nghiệp đàm phán lại lãi suất. Bởi vì ngân hàng cũng muốn duy trì những doanh nghiệp lớn, sản xuất ổn định để họ có lợi nhuận, đầu ra sản phẩm của họ là dòng tiền”- ông Phương cho biết.
Là doanh nghiệp chuyên thu mua - xuất khẩu cà phê có uy tín ở thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), Công ty TNHH Anh Minh cũng được thụ hưởng chủ trương hạ lãi suất vốn vay xuất khẩu nên đã hoàn thành chỉ tiêu trước thời hạn.
Ông Phan Hùng Anh - Phó Giám đốc Công ty cho biết, nhờ vốn vay ngắn hạn với lãi suất 14% /năm, nên dự kiến năm nay Công ty đã hoàn thành vượt mức kế hoạch xuất khẩu 65 tấn cà phê nhân, tăng hơn năm ngoái 20 tấn. Đồng vốn phát huy hiệu quả, mang lại lợi nhuận cho Công ty, đồng thời trả nợ ngân hàng đúng kỳ hạn.
Ngân hàng “chọn mặt gửi vàng”
Chủ các doanh nghiệp đang “ăn nên làm ra” ở Đắk Lắk đều cho biết, từ đầu năm đến nay, họ đều tiếp cận vốn vay ngân hàng theo xu hướng giảm dần. Trong quý I, lãi suất 17,5%, sang quý II, các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực xuất khẩu được Ngân hàng Đầu tư và Phát triển cho vay lãi suất 14,5% và đến cuối tháng 6 vừa qua, thì lãi suất chỉ còn 13%.
Đối với những doanh nghiệp làm ăn bài bản, khi gặp khó khăn, ngân hàng cũng luôn sát cánh để chia sẻ và tháo gỡ. Bà Đặng Diệu Hiền - Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân Thương mại Dịch vụ và Xây dựng Vĩnh Thương ở huyện Krông Búc, tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Việc tiếp cận vốn ngân hàng tương đối thuận lợi, vì mình thế chấp tài sản nên ngân hàng cũng đảm bảo. Doanh nghiệp cũng được ưu đãi về lãi suất. Trước đây, 18% nhưng nay 15,8%; lãi suất huy động giảm thì lãi suất cho vay cũng có giảm”.
Nằm trong số hơn 4.400 doanh nghiệp đang hoạt động có hiệu quả ở Đắk Lắk, Công ty TNHH Xây dựng Phú Xuân tuy gặp không ít khó khăn, nhưng đã nỗ lực vươn lên bằng cách tập trung vốn đầu tư dứt điểm cho những công trình trọng điểm, sớm phát huy hiệu quả để xoay vòng vốn. Đó cũng là cách chứng tỏ năng lực của doanh nghiệp để ngân hàng “chọn mặt gửi vàng”.
Ông Trương Công Lưu, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Phú Xuân, cho biết: “Ngân hàng Nhà nước nói cũng đúng, bây giờ ngân hàng thấy doanh nghiệp nào làm ăn được thì cho vay, đó là quy luật rồi. Việc tiếp cận vốn, theo tôi không phải dễ mà cũng không phải khó. Việc này có cơ chế rồi, người ta cho vay cũng “chọn mặt gửi vàng” chứ”.
Theo sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk, trong thời gian qua đã có hơn 2.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ phải ngừng hoạt động, nguyên nhân chính là do thiếu vốn đầu tư, năng lực quản trị và sức cạnh tranh yếu.
Nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn vay, từ đầu năm đến nay, các chi nhánh ngân hàng ở địa phương đã nhiều lần hạ lãi suất theo chủ trương của Chính phủ. Hiện nay, lãi suất cho vay trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh là từ 13 - 15%. Tổng dư nợ trên địa bàn đạt khoảng 32.000 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Tăng Hải Châu - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Giảm lãi suất là xu hướng tất yếu, do đó từ nay đến cuối năm chắc chắn là lãi suất tiếp tục giảm. Thông điệp này do Ngân hàng Nhà nước đưa ra, doanh nghiệp và người vay cần biết để chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh. Với lộ trình hạ lãi suất như thế này, doanh nghiệp sẽ có điều kiện để hạ giá thành để phát triển sản xuất kinh doanh, làm cho sản phẩm của mình có điều kiện cạnh tranh tốt hơn trên thị trường. Chắc là từ nay đến cuối năm, hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ sôi động hơn”.
Ngân hàng “chọn mặt gửi vàng” là lẽ đương nhiên. Nhưng trong cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, chủ trương hạ lãi suất huy động nhằm giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng thời gian qua, đã cho thấy tín hiệu “ánh sáng ở cuối đường hầm” cho các doanh nghiệp ở Đắk Lắk./.

Responses
0 Respones to "Nhiều doanh nghiệp Đăk Lăk đã thực hưởng lãi suất 13%/năm"
Post a Comment