TPO - Sau khi ba lãnh đạo MB24 tại Đắk Lắk bị bắt, nhiều hội viên của các công ty có hình thức hoạt động tương tự vẫn hoạt động lén lút ở Đắk Lắk để tránh bị phát giác.
Người dân hiếu kỳ xem công an đọc lệnh bắt lãnh đạo MB24 tại Đắk Lắk. |
Ngày 9-8, cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đắk Lắk, ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, bắt khẩn cấp ba đối tượng đứng đầu hai chi nhánh của Công ty Cổ phần Đào tạo Mua bán trực tuyến 24 (MB24) tại Đắk Lắk về hành vi sử dụng mạng máy tính, viễn thông, internet, thiết bị số lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 226B Bộ luật hình sự.
Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, hiện nay, trên địa bàn Đắk Lắk còn một số công ty lợi dụng thương mại điện tử để lôi kéo người dân tham gia mua gian hàng ảo tương tự MB24.
Cụ thể, tại địa chỉ 191 Lê Duẩn (phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột), hàng chục hội viên của của Cty Cổ phần Đầu tư Đại Hưng Phát (ĐHP, trang điện tử gobay.vn) hoạt động công khai, xây dựng mạng lưới phát triển các gian hàng ảo để hưởng hoa hồng.
Thượng tá Cao Thành Vinh - Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk - khuyến cáo: Hiện nay, trên địa bàn Đắk Lắk còn có một số công ty lợi dụng mạng viễn thông để hoạt động tương tự MB24, nên đề nghị bà con nên cẩn trọng, không vì lợi ích trước mắt mà bị thiệt hại về tài sản.
|
Thời gian gần đây, rất nhiều hội viên viết đơn tố giác hành vi lừa đảo của gobay.vn và đã xảy ra xô xát giữa người dân đến đòi tiền và người của ĐHP. Vụ việc được công an phường Ea Tam lập biên bản.
Cũng tại địa chỉ 191 Lê Duẩn, nhiều thành viên của ĐHP rục rịch chuyển sang Công ty Cổ phần Dịch vụ Đặt mua nhanh (trang điện tử datmuanhanh.com - trụ sở chính tại số 31/10 Phan Huy Ích, phường 15, quận Tân Bình, TP HCM), làm giấy phép đặt văn phòng đại diện nhưng Sở Kế hoạch – Đầu tư Đắk Lắk chưa cấp phép.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 17-6, ông Trần Công Tuấn – Phó giám đốc chi nhánh văn phòng ĐHP tại Đắk Lắk có thông báo gửi Sở Kế hoạch Đầu tư Đắk Lắk về việc lập văn phòng đại diện Công ty Cổ phần Dịch vụ Đặt mua nhanh tại địa chỉ 191 Lê Duẩn nhưng chưa được Sở này cấp phép.
Ngày 27-7, khi phóng viên đến địa chỉ 191 Lê Duẩn đăng ký làm việc với văn phòng ĐHP, thì bị từ chối cung cấp thông tin vì “người đại diện đi vắng”.
Bà Đinh Thị Tuyết Lan – nguyên kế toán của chi nhánh ĐHP tại Buôn Ma Thuột cho biết: “Việc mua bán gian hàng điện tử của ĐHP thực chất là hành vi lừa đảo dưới hình thức huy động vốn trái phép, không có hóa đơn chứng từ. Hiện, có nhiều trường hợp là học sinh, sinh viên bị lôi kéo vào sàn điện tử rồi nợ nần, cơm ăn bữa đói bữa no rất đáng thương”.
Theo kết quả xác minh ban đầu của cơ quan điều tra, hai chi nhánh MB24 tại Đắk Lắk đã lôi kéo hơn 900 hội viên, gần hai nghìn gian hàng điện tử với giá 5,2 triệu đồng/gian.
Việc thu tiền đều không có hóa đơn, chứng từ và cả hai chi nhánh này đều không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế tại địa phương.
Thượng tá Cao Thành Vinh, Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết: Ngoài hành vi chiếm đoạt tài sản, cơ quan điều tra sẽ mở rộng điều tra về hành vi trốn thuế. Nếu vi phạm thì sẽ khởi tố thêm về tội danh này.
|
Lê Kiến
Labels:
chiếm đoạt tiền,
lừa đảo,
Tin tức Đăk Lăk
Responses
0 Respones to "Vẫn còn 'gian hàng điện tử' hoạt động lén lút"
Post a Comment